Các bạn hãy cùng Trạm Văn tham khảo bài Nghị luận văn học nâng cao – bài thi tham khảo Chuyên Văn tỉnh Ninh Bình nhé!
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Chu Văn Sơn từng viết:
Văn chương trong nghĩa đơn giản nhất của nó là sự cất tiếng của yêu thương để bồi đắp yêu thương cho con người.
(Đa mang một cõi lòng không yên định, Chu Văn Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2021)
Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng trải nghiệm văn học của mình, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Bài làm
Nhà văn Nga nổi tiếng Saltykov Shchedrin đã từng nói: “Văn học nằm ngoài quy luật của sự băng hoại vì chỉ mình nó không thừa nhận cái chết!”. Vậy điều gì khiến văn chương bất hủ trước những biến thiên không ngừng của thời đại, trước bao lần lịch sử sang trang? Tác phẩm văn học là một công trình sáng tạo nghệ thuật mà người nghệ sĩ là kẻ đặt những viên gạch đầu tiên cho đến lúc hoàn thiện. Sở dĩ, văn chương có sức sống mãnh liệt đến thế chính nhờ trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm văn học có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn, thắp lên trong lòng bạn đọc ngọn lửa về tình yêu, lòng nhân ái, hướng chúng ta tới những giá trị chân – thiện – mỹ của cuộc sống. Cũng bởi vậy mà nhà phê bình Chu Văn Sơn khẳng định: “Văn chương trong nghĩa đơn giản nhất của nó là sự cất tiếng của yêu thương để bồi đắp yêu thương cho con người”.
Văn chương là một trong những loại hình sáng tác tái hiện cuộc đời thông qua lớp ngôn từ nghệ thuật. Thế giới trong văn chương được xem là “hiện thực thứ hai” (Goethe) – thế giới được lắng lọc bằng đôi mắt và xúc cảm của nhà văn. Một tác phẩm văn chương thực sự đi vào lòng người khi cho ta cảm nhận được toàn bộ hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, đặc biệt là khi nó bộc lộ rõ tấm lòng tâm tư tình cảm của người cầm bút. Bởi vậy, xét cho cùng, văn chương là sản phẩm của tâm hồn con người. Đó là tiếng nói của những cảm xúc, suy nghĩ, khát vọng người nghệ sĩ gửi gắm vào từng con chữ, từng câu thơ. Và ở đó, “tình yêu thương” là mạch nguồn nuôi dưỡng mọi tác phẩm “Văn chương trong nghĩa đơn giản nhất của nó là sự cất tiếng của yêu thương”. Đó có thể là tình yêu gia đình thiêng liêng, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, tình yêu con người rộng lớn, hay đơn giản chỉ là tình yêu cuộc sống, tình yêu chính mình.
“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu” (Lev Tolstoy). Chính tình yêu nảy sinh trong tâm hồn văn sĩ là động lực thôi thúc anh ta cầm bút. Từ cái nhìn đa cảm của người nghệ sĩ sẽ giúp người đọc đồng cảm, đi sâu vào nội tâm của mình và hoàn thiện nhân cách, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, xã hội. Khi ta đọc những trang sách, những vần thơ, ta như được hòa mình vào thế giới của tác giả, được cảm nhận những cung bậc cảm xúc đa dạng. Qua đó, ta không chỉ hiểu hơn về cuộc sống, về con người mà còn được bồi đắp những tình cảm đẹp đẽ. “Tình yêu thương” cũng theo đó được gieo vào lòng ta, lớn dần theo từng trang sách, từng câu thơ. Ta học được cách yêu thương, cách chia sẻ, cách cảm thông với những người xung quanh.
Như vậy, câu nói của thầy Chu Văn Sơn đã khẳng định điều cốt lõi của văn chương là lòng yêu thương con người, trân trọng giá trị sinh mệnh. Chỉ những tác phẩm cất lên tiếng nói của tình yêu, tình thương, sự trân trọng hướng con người đến bến bờ chân – thiện – mỹ mới neo đậu trong lòng người đọc vượt thời gian. Văn học phản ánh hiện thực đời sống qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Vì vậy, mỗi tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân bởi tình cảm nồng nàn sâu sắc của người nghệ sĩ sẽ có sức lan tỏa, tác động và “bồi đắp yêu thương cho con người”.
“Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà). Văn chương là lĩnh vực của “cái độc đáo”, cảm xúc. Nếu không có tình yêu cuộc sống, nhà văn khó có thể cảm nhận và khám phá những ý nghĩa, sắc thái mới mẻ của đời sống. Bằng tình yêu thương thuần túy, người nghệ sĩ đã giãi bày những thấm thía, chiêm nghiệm về cuộc đời để nói thay nỗi lòng của con người. Tình yêu thương không chỉ là yếu tố quan trọng đối với nhà văn trong quá trình sáng tác mà còn giúp níu giữ tâm hồn bạn đọc. Văn học chạm đến người đọc thông qua trái tim, neo đậu trong lòng người đọc, kết nối con người với nhau. Văn học làm lòng người phong phú hơn. Nhờ văn chương, con người thoát khỏi những ràng buộc của đời sống lầm than, để đồng cảm với nỗi niềm chung nhất của phận người, để sống bằng tình cảm và mơ ước của nhiều đời, nhiều người.
“Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh là một trong số những tác phẩm minh chứng rõ nét cho câu nói của thầy Chu Văn Sơn. Nhắc đến Xuân Quỳnh là nhắc đến nữ thi sĩ tiêu biểu trên thi đàn văn học dân tộc. Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của bà phải kể đến bài thơ “Tiếng gà trưa”. Bài thơ là lời kể của tác giả về kí ức tuổi thơ khi sống với bà, về tiếng gà trưa quen thuộc. Kể lại khoảng ký ức quen thuộc và bình yên khi sống cùng bà. Bên cạnh đó thì bài thơ chính là những suy tư của người cháu, kỉ niệm tuổi thơ, tình bà cháu, tình cảm gia đình đã làm cho tình yêu đất nước trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.
Nhân vật trữ tình trong bài là người chiến sĩ đang trên đường hành quân, dừng chân lại bên xóm nhỏ để nghỉ ngơi. Bất chợt, âm thanh tiếng gà vang lên gợi lại kỉ niệm của tuổi thơ. Xuân Quỳnh đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ – từ “nghe” được nhắc lại ba lần, cùng với các hình ảnh “xao động nắng trưa”, “bàn chân đỡ mỏi”, “gọi về tuổi thơ” nhấn mạnh được sự xúc động, bồi hồi của người chiến sĩ. Dòng cảm xúc được dâng trào mãnh liệt khiến cho những kỉ niệm tuổi thơ bỗng nhiên trở về, đó là những hình ảnh quen thuộc thời thơ ấu với “ổ rơm hồng”, “gà mái mơ”, “gà mái vàng”. Tuổi thơ của người cháu bên bà tuy khó khăn, vất vả nhưng thật hạnh phúc:
“Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng”
Thông qua nỗi nhớ được khơi dậy từ tiếng gà trưa, nhà thơ Xuân Quỳnh đã miêu tả tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và tình cảm yêu mến, kính trọng bà của một em bé nông thôn. Tình bà cháu thắm thiết đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người chiến sĩ hôm nay đang trên đường hành quân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước:
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”
Lời tâm sự chân thành của đứa cháu chiến sĩ trên đường ra tiền tuyến gửi về người bà kính yêu ở hậu phương. Từ tình cảm cụ thể là tình bà cháu đến tình cảm lớn lao như lòng yêu Tổ quốc, yêu xóm làng thân thuộc đều được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật giản dị, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Ấy vậy mà nó lại gây xúc động sâu xa bởi nhà thơ đã nói giúp chúng ta những điều thiêng liêng nhất của tâm hồn. Quả đúng như câu nói của nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
“Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất từ” (Shelly). Thật vậy, những tình cảm chân thành, gắn bó được thể hiện trong tác phẩm khơi gợi nơi bạn đọc nhiều suy ngẫm sâu sắc. Tiếng gà trưa trở thành tiếng nói của quê hương, của những người ruột thịt, của cả dân tộc và đất nước lúc bấy giờ, giục giã người cầm súng. Cũng từ đó, “tình yêu thương” được thể hiện trong tác phẩm giúp mỗi bạn đọc nhận ra ý nghĩa của những điều bình dị, “bồi đắp’ trong chúng ta những giá trị chân – thiện – mỹ tốt đẹp.
Như vậy, nhận định “Văn chương trong nghĩa đơn giản nhất của nó là sự cất tiếng của yêu thương để bồi đắp yêu thương cho con người.” là một nhận định vô cùng đúng đắn. Văn học chạm đến trái tim người đọc thông qua trái tim. Nhờ văn chương, tâm hồn chúng ta trở nên phong phú “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có” (Hoài Thanh). Văn chương nâng tầm suy nghĩ, nhận thức cho mỗi cá nhân, hướng con người đến những điều tốt đẹp, giúp chúng ta thêm trân trọng, thêm tin yêu vào cuộc sống. Trong cuộc sống hiện đại, với nhịp sống hối hả, con người ta dễ bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, của những mối quan hệ xã hội. Lúc đó, văn chương chính là liều thuốc tinh thần giúp ta thư giãn, tìm lại sự cân bằng trong tâm hồn.
Để tạo nên những tác phẩm văn học chân chính, bản thân người nghệ sĩ phải có con mắt tinh đời để phát hiện ra bản chất của cuộc sống, đồng thời các nhà văn, nhà thơ cần bồi đắp, tu dưỡng, mở rộng tấm lòng, tình cảm của bản thân “Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật” (Nguyễn Khải).
Văn học nghệ thuật có khả năng kì diệu khi “bồi đắp yêu thương cho con người”, nhân đạo hóa con người. Tuy nhiên, để văn chương thực sự phát huy tác dụng, chúng ta – với vai trò là bạn đọc, cần phải đọc một cách có chọn lọc. Hãy chọn những tác phẩm chứa đựng giá trị nhân văn tốt đẹp, phù hợp với bản thân. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải đọc một cách nghiền ngẫm để đón nhận được sự sâu sắc của tác phẩm. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và ý nghĩa của văn chương.
Tóm lại, “Văn chương trong nghĩa đơn giản nhất của nó là sự cất tiếng của yêu thương để bồi đắp yêu thương cho con người” (Chu Văn Sơn) là một nhận định vô cùng đúng đắn. Văn chương không chỉ là một môn nghệ thuật mà còn là một phương tiện để con người giao tiếp, để thấu hiểu và yêu thương nhau hơn. Hãy đọc sách, hãy nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những câu chuyện đẹp, để cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn.
Tham khảo những bài viết liên quan:
Bài đạt 9 điểm – Giải Nhất cuộc thi viết Nghị luận văn học lần 1
Cách lấy điểm sáng tạo trong bài viết Nghị luận văn học
Diễn đạt ấn tượng cho bài viết Nghị luận văn học
Giải thích nhận định Nghị luận văn học trong đề thi Chuyên 2024 – 2025
Xem thêm:
- Lớp văn cô Ngọc Anh trực tiếp giảng dạy tại Hà Nội: Tìm hiểu thêm
- Tham khảo sách Chuyên đề Lí luận văn học phiên bản 2024: Tủ sách Thích Văn học
- Tham khảo bộ tài liệu độc quyền của Thích Văn học siêu hot: Tài liệu
- Đón xem các bài viết mới nhất trên fanpage FB: Thích Văn Học